Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Sáng 29/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và quốc hội; đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra các bộ ngành; đại diện lãnh đạo các địa phương…
Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dự và có bài phát biểu tại Hội nghị.
5 kết quả nổi bật
Chia sẻ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ các mặt công tác thanh tra của Bộ GD&ĐT năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thông tin một số kết quả nổi bật.
Một là, công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thanh tra được chú trọng. Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng cho ý kiến về định hướng chương trình thanh tra và ban hành kế hoạch thực hiện sớm, đúng thời hạn quy định; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện và cơ bản hoàn thành 16 cuộc thanh tra theo kế hoạch đối với 38 cơ quan, đơn vị; 4 cuộc đột xuất đối với 7 đơn vị; thực hiện tổng số 75 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và 3 cuộc kiểm tra đột xuất về các nội dung quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.
Trong điều kiện số lượng cán bộ thanh tra còn hạn chế; đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra lĩnh vực giáo dục rộng, lớn, đặc thù, nhạy cảm, tác động đến mọi người, mọi nhà…. nhưng với phương châm chỉ đạo thanh tra trọng tâm, trọng điểm, tập trung những vấn đề bức xúc, được xã hội quan tâm, Bộ GD&ĐT đã xử lý tốt nhiệm vụ công tác quan trọng này.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những hạn chế, thiếu sót, sai phạm của cơ quan, đơn vị; kiến nghị chấn chỉnh trong công tác quản lý, hoàn thiện thể chế và kiên quyết xử lý các sai phạm theo quy định.
Hai là, ngay sau chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Thanh tra năm 2022, căn cứ Quyết định số 465/QĐ-TTCP, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, ban hành Quy định về công tác kiểm tra của Bộ GD&ĐT và xây dựng báo cáo sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra. |
Ba là, công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tiếp tục được Bộ GD&ĐT xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đây là nhiệm vụ hết sức đặc thù của ngành Giáo dục.
Trong 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao, đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra sở GD&ĐT trong công tác thanh tra/kiểm tra thi.
Ngoài các đoàn công tác của thành viên Ban chỉ đạo thi Quốc gia, Bộ GD&ĐT đã thành lập 142 đoàn kiểm tra (chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và 1 đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất) với hơn 7.000 viên chức các cơ sở giáo dục đại học tham gia.
Đồng thời, tại các địa phương, Thanh tra các Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra tỉnh về nghiệp vụ và trong huy động số lượng công chức, viên chức rất lớn để thực hiện thanh tra, kiểm tra kỳ thi tại các địa phương.
Bốn là, công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại tố cáo luôn được Bộ GD&ĐT coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu Bộ trong công tác tiếp công dân; chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong đó tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Triển khai phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… báo cáo, xử lý, giải quyết các vụ việc sai phạm trong lĩnh vực giáo dục có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT.
Năm là, tập trung lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí. Ban cán sự Đảng ban hành Quyết định giao Thanh tra Bộ nhiệm vụ đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác; kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.
3 khó khăn, vướng mắc
Về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh 3 vấn đề.
Thứ nhất, năm 2023, Thanh tra Bộ chỉ có 33 công chức, Thanh tra Sở GD&ĐT có 285 công chức, 35/63 thanh tra Sở có dưới 5 công chức thực hiện quản lý, thanh tra gần 250 cơ sở giáo dục đại học, các sở GD&ĐT, bộ, ngành, địa phương và hơn 52.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT và giáo dục thường xuyên trên cả nước.
Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ công tác thanh tra ngày càng cao và quyết liệt; tính chất khó khăn, phức tạp tăng lên. Đây là áp lực rất lớn đối với tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục, rất khó vừa bảo đảm toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai, các quy định và triển khai thực hiện phân công, phân cấp trong quản lý giáo dục còn nhiều nội dung chưa cụ thể; việc phối hợp còn khó khăn và chưa thực sự hiệu quả.
Vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý, bảo đảm điều kiện tổ chức, biên chế, nhiệm vụ của Thanh tra Sở GD&ĐT có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chỉ đạo, quản lý của Bộ GD&ĐT.
Mặc dù hằng năm, Bộ GD&ĐT đều có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoặc chỉ thị về công tác thanh tra, kiểm tra nhưng kết quả các mặt công tác thanh tra giáo dục ở địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Năm học 2022-2023, các Sở GD&ĐT chỉ tổ chức thực hiện được 732 cuộc thanh tra, giảm 45 cuộc so với năm học 2021-2022.
Thứ ba, quy định về thanh tra nội bộ áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập, không phân biệt quy mô, không giao Bộ trưởng quy định chi tiết theo ngành, lĩnh vực sẽ khó bảo đảm thống nhất về tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ của khoảng 48.600 đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục theo quy định của Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, nhất là trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. |
Tập trung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp
Năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ bám sát chỉ đạo về công tác thanh tra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ.
Tập trung hoàn thành các kế hoạch trọng tâm công tác thanh tra. Gắn kết hoạt động thanh tra với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo. Kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý, xử lý nghiêm minh các sai phạm; ưu tiên chất lượng, chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, tập trung các vấn đề dư luận bức xúc, nhân dân quan tâm và các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.
Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế, củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở, thanh tra nội bộ trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra và yêu cầu quản lý. Có giải pháp về biên chế công chức thanh tra theo hướng ưu tiên cho cơ quan thanh tra trong tổng biên chế của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT. Nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ trưởng kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét bổ sung quy định giao Bộ trưởng có thẩm quyền quy định cụ thể về thanh tra nội bộ, áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành Giáo dục. Có ý kiến với chính quyền địa phương xem xét có giải pháp điều chỉnh về biên chế hành chính cho các sở GD&ĐT để bổ sung thêm biên chế cho Thanh tra Sở GD&ĐT, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Với UBND cấp tỉnh, Thứ trưởng kiến nghị cần quan tâm kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở GD&ĐT để bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Luật Thanh tra 2022; phối hợp với Bộ GD&ĐT quản lý các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; chỉ đạo Thanh tra tỉnh, các sở GD&ĐT tập trung tổ chức triển khai thanh tra/kiểm tra, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, các vấn đề dư luận quan tâm.
Theo: https://giaoducthoidai.vn/