Tuần vừa qua, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã phối hợp với Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận tổ chức thành công chương trình hội thảo khoa học “Khảo sát cây Khai, đánh giá tính an toàn và tác dụng chính của Cao Khai Ninh Thuận”
Ngày nay, các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật đã và đang được sử dụng với mục đích y học từ rất lâu. Tại tỉnh Ninh Thuận, theo kinh nghiệm dân gian của người dân tộc Rhe, dịch chiết từ rễ dây khai (Coptosapelta flavescens Korth.) được bào chế thành một sản phẩm có tên “cao khai” và sử dụng như một phương thuốc y học cổ truyền với tác dụng dụng điều trị các bệnh xương khớp, giảm đau, kháng viêm, kháng khuẩn, chữa tiêu chảy… Song vấn đề được đặt ra ở đây có liên quan đến việc sử dụng với mục đích điều trị bệnh của các sản phẩm tự nhiên nói chung và sản phẩm cao khai nói riêng là thiếu bằng chứng khoa học để xác thực những công dụng được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Phát xuất từ nhu cầu tìm hiểu thông tin về công dụng của loại dược liệu này, Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phối hợp với Hội Đông Y tỉnh Ninh Thuận cùng tiến hành thực hiện đề tài “Khảo sát trữ lượng nguồn nguyên liệu Dây khai; đánh giá tính an toàn và tác dụng chính của “Cao Khai” sản xuất tại tỉnh Ninh Thuận” nhằm điều tra, khảo sát và xác định tên khoa học và báo cáo về trữ lượng, phân bố của dây khai; tình hình sản xuất, tiêu thụ “cao khai”; đánh giá thành phần hóa, lý; các hoạt chất chính; tính an toàn về vi sinh và độc tính; đánh giá tác dụng của “cao khai” sản xuất tại Ninh Thuận trong chăm sóc sức khỏe thông qua mô hình thực nghiệm; và đồng thời đề xuất quy trình sản xuất “cao khai” và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của “cao khai” sản xuất tại Ninh Thuận. Từ đó, làm cơ sở để kiểm soát, phát triển và nâng cao giá trị cho bài thuốc cổ truyền này. |
Chương trình thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trẻ trong các lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học và công nghệ hóa học từ các đơn vị trong, ngoài Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng như các chuyên gia, người dân bản địa tại tỉnh Ninh Thuận tham gia phản biện, chia sẻ những kết quả thu được trong suốt quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu liên quan. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận do Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là chủ trì để tài.
Tại hội thảo, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Bạch Long Giang – Phó viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, và DS. Nguyễn Xuân Tuyển – Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Ninh Thuận, các đaị biểu đã báo cáo những kết quả thu được trong quá trình thực hiện đề tài:
– Trữ lượng, phân bố của Dây Khai; Tình hình sản xuất, tiêu thụ và đề xuất quy trình sản xuất Cao Khai (PGS.TS. Bạch Long Giang)
– Thành phần hóa, lý, các hoạt chất tính và tính an toàn về vi sinh của sản phẩm Cao Khai sản xuất tại tỉnh Ninh Thuận (ThS.DS. Nguyễn Ngọc Quý)
– Tác dụng của Cao Khai sản xuất tại Ninh Thuận trong chăm sóc sức khỏe (ThS. Phạm Trí Nhựt)
Một số điểm nổi bật của các đề tài ghi nhận trữ lượng dây khai trong tự nhiên tại tỉnh Ninh Thuận hiện vẫn đang còn dồi dào. Qua giải mã trình tự gen các mẫu dây khai thu thập tại Ninh Thuận, nguồn dược liệu này thể hiện sự tương đồng với các mẫu dây khai trên thế giới. Đặc biệt là, dây khai tại Ninh Thuận có độ đa dạng di truyền cao hơn và thể hiện sự khác biệt đặc trưng của nó. Bên cạnh đó, chiết xuất dây khai qua quá trình phân tích được ghi nhận rằng có thành phần hóa học, hoạt tính sinh học cao và có tác dụng chăm sóc sức khỏe hiệu quả trên các mô hình đánh giá trên động vật.
Nhóm nghiên cứu cũng đã báo cáo những kết quả của quá trình điều tra, khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Cao Khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Từ đó, bằng việc áp dụng những phương pháp chuyên môn, quy trình sản xuất sản phẩm cao khai từ khâu thu thập nguyên liệu cho đến khâu chế biến, thành phẩm đã được đề xuất. Sản phẩm cao khai thu được từ quy trình sẽ có chất lượng ổn định, phù hợp với các tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam về cao dược liệu, cao thuốc. Qua đó, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với một sản phẩm dược liệu chất lượng, hiệu quả và đáng tin cậy.
Dựa trên những phản biện, góp ý cũng như chia sẻ từ chuyên môn và chính kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia bản địa. Từ đó, nhóm thực hiện sẽ có những chỉnh sửa, bổ sung phù hợp nhằm hoàn thiện đề tài một cách tốt nhất. Những kết quả thu được cũng đã được ghi nhận và xác thực tính khoa học thông qua việc công bố trên các tạp chí, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước. Bao gồm 01 bài báo xếp hạng Q1 thuộc danh mục ISI, 02 bài báo và 01 poster thuộc hội nghị quốc tế, và 02 bài báo tại tạp chí trong nước. Ngoài ra, đề tài cũng đã đào tạo thành công 01 thạc sĩ chuyên ngành hóa hữu cơ và 03 dược sĩ đại học.
Buổi hội thảo lần này sẽ là cơ sở cơ hội để các thành viên tiếp tục nghiên cứu và những nhà khoa học, người dân bản địa trao đổi, ghi nhận và đề xuất những hướng đi mới giúp phát triển loại dược liệu dây khai cũng như sản phẩm cao khai. Từ đó, tạo ra những bước đi đầu tiên trong việc tạo ra một sản phẩm dược liệu giá trị mang đậm dấu ấn Ninh Thuận trong tương lai.
Một số hình ảnh về chương trình hội thảo:
Tin: Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển Bền vững