Logo Fix
Trang chủ / Góc sinh viên / Khoa Kỹ thuật – Công nghệ tổ chức Hội thảo tập huấn phương pháp xây dựng ma trận chuẩn đầu ra IPM

Khoa Kỹ thuật – Công nghệ tổ chức Hội thảo tập huấn phương pháp xây dựng ma trận chuẩn đầu ra IPM

ntlam / 12:37 am 07/04/2022

Vừa qua, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức thành công Hội thảo “Xây dựng chương trình đào tạo theo ma trận IPM” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Nhà trường, khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo của các cơ sở giáo dục trong và ngoài Trường, cùng toàn thể giảng viên của Khoa Kỹ thuật – Công nghệ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Văn An, Trưởng Khoa Kỹ thuật – Công nghệ chia sẻ: “Chương trình đào tạo là hệ thống kiến thức lý thuyết và thực hành được thiết kế đồng bộ với phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả để đảm bảo người học tích lũy được kiến thức và đạt được năng lực cần thiết của chương trình. Ma trận chuẩn đầu ra chương trình đào tạo với các học phần thể hiện sự phân bố chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo vào các học phần liên quan nhằm thể hiện rõ ràng chuẩn đầu ra do từng học phần đảm trách. Với triết lý giáo dục Thực học –Thực hành-Thực danh-Thực nghiệp của Nhà trường và định hướng đào tạo ứng dụng của Khoa thì việc xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cần có hệ thống chỉ báo chuẩn đầu ra đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khoa học giữa chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của các môn học, và các chỉ báo này phải được thể hiện cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, chính xác và logic trong các đề cương chi tiết. Phương pháp ma trận IPM trong xây dựng chương trình đào tạo là một phương pháp giúp cho việc thiết kế các chuẩn đầu ra môn học được sắp xếp theo thứ tự từ thấp lên cao (I – Introduce, P – Practice và M – Master), qua đó chương trình được thiết kế một cách hệ thống, giúp sinh viên đạt được chuẩn đầu ra của chương trình thông qua các hệ thống chuẩn đầu ra của từng môn học. Phương pháp thiết kế này rất phù hợp với các mục tiêu của Khoa về chủ trương thiết kế chương trình đào tạo theo kết quả đầu ra và minh chứng ban đầu là sự thành công trong kiểm định AUN-QA chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô trong đầu năm 2022 vừa qua”.

TS Lê Văn An, Trưởng Khoa Kỹ thuật – Công nghệ chia sẻ trong hội thảo

Với triết lý giáo dục “Learning by Doing”, vai trò của doanh nghiệp được Khoa Kỹ thuật – Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đặc biệt coi trọng trong công tác xây dựng chương trình đào tạo và triển khai giảng dạy. Phương pháp ma trận IPM là công cụ có tính ưu việt và thân thiện hơn đối với các bên liên quan quan, đặc biệt là doanh nghiệp trong việc tham gia góp ý xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo một cách chủ động hơn, hiệu quả hơn và bám sát thực tiễn.

Tại Hội thảo, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ cũng đã giới thiệu hai chương trình đào tạo mới là Robot & Trí tuệ nhân tạo và Logistic & Internet of Thing, được xây dựng theo phương pháp ma trận IPM và dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh năm học 2022-2023. Đây sẽ là những chương trình đào tạo được người học, doanh nghiệp và xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian tới cả về số lượng và chất lượng.

Đại biểu và khách mời tham dự hội thảo

Song song với công tác xây dựng chương trình đào tạo, việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất kỹ thuật được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ưu tiên đầu tư với mục tiêu đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu nhân lực chất lượng cao-trình độ cao của đất nước và khu vực. Trong khóa tuyển sinh đầu tiên năm học 2022-2023 đối với các chương trình Robot & Trí tuệ nhân tạo (AI), Logistic & Internet of Thing (IoT), sinh viên sẽ được nhận học bổng từ 20% học phí cho toàn khóa học, có cơ hội nhận học bổng, thực tập và cam kết tuyển dụng từ nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.

TS Hoàng Thịnh Nhân –

Khoa Kỹ thuật – Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Tags: