Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / Hội thảo Quốc gia 2025 – Cầu nối AI: Từ khám phá lý thuyết đến ứng dụng liên ngành
Phòng Thanh tra / 3:13 pm 01/07/2025

Hội thảo Quốc gia 2025 – Cầu nối AI: Từ khám phá lý thuyết đến ứng dụng liên ngành

NTTU – Ngày 18/7/2025, tại Toà nhà N1 – Trung tâm Phát triển Công nghệ cao – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Khu Công nghệ cao (Số 01 Đường Võ Chí Công, Khu Công nghệ cao, phường Long Thành Mỹ, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra hội thảo với quy mô lớn với chủ đề Cầu nối AI: Từ khám phá lý thuyết đến ứng dụng liên ngành.

Hội thảo do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chủ trì, phối hợp cùng Hội Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học trong Khối thi đua 21, bao gồm: Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn và Trường Đại học Hoa Sen.

Hội thảo là diễn đàn học thuật ý nghĩa để thảo luận về vai trò ngày càng gia tăng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng, an ninh mạng và hơn thế nữa. Đây là cơ hội quý báu để kết nối các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác liên ngành và trao đổi học thuật chất lượng cao.

Tại hội thảo, đại biểu tham dự sẽ có cơ hội trình bày nghiên cứu, chia sẻ kiến thức chuyên sâu, thảo luận những thách thức và giải pháp trong việc ứng dụng AI một cách có trách nhiệm và bền vững. Các bài viết xuất sắc sẽ được lựa chọn để đăng trên các tạp chí khoa học uy tín và kỷ yếu hội thảo.

Khách mời diễn giả

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành ( chủ tịch Uỷ ban Kỹ thuật IEEE SMC vê Trí tuệ Tập thể Tính toán và là thành viên Uỷ ban Tin học của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành là giáo sư nhà nước của Ba Lan (phong năm 2009) và của Việt Nam (phong năm 2011). Với hơn 450 công trình nghiên cứu quốc tế, 52 sách chuyên ngành, và 2 bằng sáng chế châu Âu, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và hệ thống tính toán. Là Tổng biên tập và Phó tổng biên tập của nhiều tạp chí khoa học uy tín như IEEE Transactions on Systems, Man and Cybernetics, ông không chỉ là nhà khoa học xuất sắc của ACM mà còn là cầu nối học thuật giữa các châu lục. Ông từng chủ trì hơn 40 hội nghị quốc tế, giảng dạy tại nhiều đại học hàng đầu thế giới, và giữ vai trò cố vấn cho các chương trình nghiên cứu trọng điểm của EU như Marie Curie, FET, EUREKA. Với sự đóng góp bền bỉ và tầm ảnh hưởng toàn cầu, từ năm 2019 đến nay, GS Thành liên tục có tên trong danh sách Top 2% nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới (Elsevier & Stanford). Ông hiện là Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật IEEE SMC về Trí tuệ Tập thể Tính toán và là thành viên Ủy ban Tin học của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan.

GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng, Việ trưởng Viện CIRTech tại Trường ĐH Công nghệ TP. HCM (Hutech), chủ tịch Hội Cơ học Tính toán Việt Nam

GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng hiện là Viện trưởng Viện CIRTech tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), đồng thời là Chủ tịch Hội Cơ học Tính toán Việt Nam. Với nền tảng tiến sĩ từ Đại học Liège (Bỉ), ông đã không ngừng thúc đẩy các hướng nghiên cứu đột phá như kỹ thuật tính toán, toán ứng dụng, học máy, in 3D và vật liệu sinh học. Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sejong (Hàn Quốc) và Đại học Y khoa Trung Quốc (Đài Loan), và đồng thời giữ vai trò biên tập trong hàng loạt tạp chí khoa học uy tín quốc tế như Composite Structures, Computers and Structures, Engineering Fracture Mechanics, Computer Modeling in Engineering & Sciences, và nhiều tạp chí khác.

Khách mời danh dự

GS.TSKH.VS. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch danh dự Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)

GS.TSKH.VS. Đặng Vũ Minh là một Nhà hóa học Việt Nam, Tiến sĩ Khoa học, Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông nguyên là Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam và là Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Ông có nhiều công trình nghiên cứu giá trị, nổi bật là sách chuyên khảo về sản phẩm phân hạch của nguyên tố siêu uran trong vũ trụ và các công trình ứng dụng công nghệ nguyên tố hiếm. Các nghiên cứu này đóng góp lớn cho các lĩnh vực như năng lượng, điện tử, quốc phòng và công nghệ không gian tại Việt Nam. Với vai trò lãnh đạo VUSTA, ông tích cực thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, kết nối đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển tài năng trẻ. Giáo sư từng nhận nhiều giải thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Sự kiện này là cơ hội để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các giảng viên gặp gỡ và cùng nhau kết nối tri thức nhằm thúc đẩy tiến bộ khoa học vì một tương lai phát triển bền vững trong kỷ nguyên AI.

 

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành